1. Nguồn gốc của tò he Việt Nam
Tò he là một món đồ chơi quen thuộc của trẻ em Việt Nam qua nhiều thế hệ. Cái tên "tò he" chỉ mới được xuất hiện trong nhiều năm trở lại đây và xưa kia người ta thường gọi là “con giống bột” hay cái tên dân dã hơn là “đồ chơi chim cò” vì nó có hình dạng chủ yếu là các con vật. Sau này, tên gọi tò he xuất hiện là vì các nghệ nhân đã nặn thêm hình chiếc kèn ở phía trước để thu hút du khách, tiếng kèn kêu tò te được gọi chệch đi và trở thành tò he.
Xưa kia người ta thường gọi là “con giống bột” hay “đồ chơi chim cò”
Tò he là một nét văn hóa đặc trưng riêng của văn hóa vùng Bắc Bộ Việt Nam. Ở miền Nam cũng có xuất hiện nghề nặn tò he nhưng hầu hết là do các nghệ nhân miền Bắc di cư vào lập nghiệp. Nhiều nơi ở miền Bắc của Việt Nam còn gọi tò he là “con bánh” bởi nghệ nhân thường nặn tò he hình mâm cỗ để đi chùa dâng cúng. Sản phẩm này có màu sắc tương đối giống đồ thực và có pha thêm chút đường nên có thể ăn được.
Nặn tò he thành hình mâm cỗ
Khó mà tìm ra được ai là ông tổ của làng nghề tò he, chỉ biết được rằng với người nặn tò he có một nguyên tắc đặc biệt là chỉ truyền lại cho con trai và con dâu. Dù cuộc sống có nhiều sự thay đổi với nhiều trò chơi hiện đại ra đời nhưng tò he Việt Nam vẫn đang tồn tại, tiếp tục trở thành đồ chơi dân gian gắn bó với nhiều thế hệ và đây còn là sản phẩm có ý nghĩa về văn hóa.
2. Nét độc đáo của tò he Việt Nam
Không giống với những sản phẩm đồ chơi khác là được làm sẵn, sự độc đáo của tò he Việt Nam thể hiện ở đặc điểm là nghệ nhân làm tò he làm ngay tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng. Các nghệ nhân thường rong đuổi khắp nơi, tại các phiên chợ, khu phố cổ để nặn và bán tò he. Những người nặn tò he có đồ nghề khá đơn giản, chỉ với một con dao nhỏ, bột nặn, vài que tre, sáp ong và không thể thiếu một chiếc thùng xốp để cắm tò he trưng bày.
Các nghệ nhân tò he rong đuổi khắp nơi
Bước quan trọng nhất khi làm tò he đó chính là tạo bột, nguyên liệu chính làm nên đồ chơi độc đáo này. Bột nặn tò he là bột gạo tẻ trộn với bột gạo nếp, phải chuẩn tỉ lệ để bột không dính tay, điều này đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của nghệ nhân. Nếu làm bột không tốt thì tò he thiếu độ kết dính và có thể bị rơi khỏi que sau khi đã hoàn thành.
Sau bước làm bột, người nặn tò he nắm lại thành từng miếng bột có màu riêng, trong đó có bốn màu cơ bản là màu vàng, đỏ, đen, xanh. Trước đây người ta thường sử dụng màu sắc có nguồn gốc từ thiên nhiên để đảm bảo an toàn khi ăn. Tuy nhiên, hiện giờ tò he chỉ dùng làm đồ chơi nên nghệ nhân dùng màu thực phẩm công nghiệp để tiện ích hơn và có nhiều lựa chọn màu sắc hơn.
Tò he gần gũi với đời sống của người Việt, không chỉ là đồ chơi dân gian của dân tộc mà còn được xem như là những tác phẩm nghệ thuật. Phải là người có tính nhẫn nại, kiên trì và có lòng yêu nghề biết bao nhiêu mới có thể nặn được những chiếc tò he có hồn.
Ngày nay nghề làm tò he vẫn tiếp tục tồn tại, tuy nhiên vẫn phải đồng hành với thị hiếu của người dùng. Không chỉ là tạo hình đơn giản những con vật như xưa mà nghệ nhân còn phải làm phong phú hơn theo yêu cầu của khách hàng, đặc biệt là trẻ nhỏ với hình mẫu là những bộ phim hoạt hình hay bông hoa... Với đôi tay thoăn thoắt của người nghệ nhân, chỉ sau vài phút là đã có thể tạo ra tò he với đủ hình thù độc đáo, bắt mắt.
Hiện nay trên thị trường không thiếu những món đồ chơi hiện đại, hấp dẫn nhưng nhiều người vẫn thích và đam mê với tò he. Người ta thích tò he bởi sự mộc mạc, giản dị và tính dân gian. Cầm tò he trên tay, người ta cảm thấy hấp dẫn không chỉ bởi vẻ ngoài bắt mắt mà khi đưa lên mũi ngửi sẽ cảm thấy được phảng phất hương vị đồng quê Việt.
Nguồn: nem-vn.net